Tin tức

Giải quyết hồ sơ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay tại TPHCM

0
Kê khai đất đai

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện, thành phố Thủ Đức về giải quyết hồ sơ tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý tách thửa, chuyển quyền bằng giấy tay.

Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố chỉ đạo các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện, TP. Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và phối hợp với Phòng TN&MT, Phòng Quản lý đô thị, UBND cấp xã xác định điều kiện cấp sổ hồng cho các trường hợp tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền bằng giấy tay

Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với hồ sơ mà các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiếp nhận trước thời điểm 18/6/2019, thì chấp thuận thời điểm hình thành thửa đất tách ra để chuyển nhượng bằng giấy tay trước 1/7/2014 để áp dụng theo Quyết định 19 năm 2009 và Quyết định 54* năm 2012 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa để xem xét, giải quyết.

Còn đối với hồ sơ chưa tiếp nhận, người dân cần kê khai, đăng ký cho cơ quan chức năng của địa phương chậm nhất đến ngày 31/12/2023 để được xem xét, giải quyết. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất cách giải quyết hoặc tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

Người dân trong diện nêu trên đến gặp cơ quan địa chính cấp phường xã để được hướng dẫn cụ thể trường hợp. Người dân hiện có nhà đất tự ý tách thửa, tự ý chuyển mục đích và mua bán bằng giấy tay trước ngày 01/7/2014 liên hệ các đơn vị đo đạc có chuyên môn để lập bản vẽ nhà đất bổ túc hồ sơ kê khai đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, việc xử lý, xem xét, cấp sổ hồng cho các trường hợp nêu trên sẽ được căn cứ theo điểm b khoản 3 và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP** của Chính phủ, tương tự với Điều 57 Luật Đất đai 2013. Đồng thời, việc cấp sổ hồng chỉ được thực hiện sau khi cơ quan quản lý đất đai tại địa phương giải quyết xong việc xử lý vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất trái phép và phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng.

Ghi chú:

*Quyết định 54* năm 2012 của UBND thành phố Hồ Chí Minh ”

 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy định diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa, như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điểm d, Khoản 2, Điều 3 như sau:
“d) Trường hợp thửa đất nằm trong khu vực quy hoạch sẽ chuyển sang đất phi nông nghiệp (đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư hiện hữu) và không thuộc khu vực phải thu hồi để đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất đã được công bố:
– Trường hợp tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp thì việc tách thửa thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND.
– Trường hợp tách thửa để sử dụng đất phi nông nghiệp, phải thực hiện theo đúng quy hoạch. Trường hợp toàn bộ các thửa đất hình thành sau khi tách thửa được sử dụng vào mục đích đất ở, thì thực hiện như sau:
+ Thửa đất có diện tích từ 1.000m2 trở xuống phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sang đất ở trước khi tách thửa, việc tách thửa phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND.
+ Thửa đất có diện tích trên 1.000m2 đến 2.000m2 thực hiện như đối với trường hợp có diện tích từ 1.000m2 trở xuống và đồng thời có phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Việc tách thửa chỉ được thực hiện sau khi phương án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện và có nghiệm thu của Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có thửa đất.
+ Thửa đất có diện tích lớn hơn 2.000m2 phải lập dự án theo quy định pháp luật.
– Trường hợp hộ gia đình có nhu cầu tách một phần thửa đất sang đất ở, giao Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ nhu cầu của người sử dụng đất để xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể để quyết định. Phải đảm bảo quy định thửa đất sau khi tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để xây dựng nhà ở phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND.
Trường hợp thửa đất khi tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật: Người sử dụng đất có trách nhiệm đầu tư hoàn thiện, bàn giao và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất làm đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật; Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có thửa đất có trách nhiệm tiếp nhận bàn giao và quản lý theo quy định.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 4, như sau:
“1. Những trường hợp hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi thừa kế, hòa giải tranh chấp, có nhu cầu tách thửa; đối với đất ở, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, điều kiện để hợp khối, cảnh quan khu vực và quy chuẩn xây dựng để giải quyết, nhưng diện tích tối thiểu của các thửa đất hình thành không nhỏ hơn 25m2; đối với đất nông nghiệp Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ điều kiện thực tế, loại đất nông nghiệp và trường hợp cụ thể để giải quyết tách thửa, diện tích của các thửa đất nông nghiệp hình thành được phép nhỏ hơn 300m2 nhưng phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nông nghiệp.
3. Bổ sung Khoản 4 vào Điều 4, như sau:
“4. Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân; trường hợp chưa có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để xem xét giải quyết”.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định này. Thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn, tránh việc phân lô tách thửa không đúng quy hoạch và không đảm bảo về cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Định kỳ 06 (sáu) tháng, báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường.”

** điểm b khoản 3 và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP : “b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Khoản 5 điều 22: “Người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này mà không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:

a) Trường hợp thửa đất có nhà ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;
b) Trường hợp thửa đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;
c) Đối với phần diện tích đất đang sử dụng được xác định là đất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo chế độ như quy định đối với trường hợp tại Khoản 5 Điều 20 của Nghị định này;
d) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.”
Quý khách có nhu cầu đo đạc với mục đích kê khai đất đai vui lòng liên hệ:  0924 063 888

Có thể bạn sẽ thích

Bình luận

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *